#24-25 | Sonny Vũ và vợ Lê Diệp Kiều Trang tham vọng đổi mới công nghiệp sản xuất tại Việt Nam

glow

#24-25 | Sonny Vũ và vợ Lê Diệp Kiều Trang tham vọng đổi mới công nghiệp sản xuất tại Việt Nam

Sonny Vũ và vợ Lê Diệp Kiều Trang kỳ vọng sự ra đời của nhà máy in 3D sẽ góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh cho công nghiệp sản xuất của Việt Nam.

Định nghĩa “thành trì sáng tạo”

Trong talk Nguy – Cơ 24, Lê Diệp Kiều Trang đưa ra về định nghĩa về đổi mới sáng tạo. “Sáng tạo không nên chỉ dừng lại ở chỗ có khác biệt hay không, mà nên là có giải quyết vấn đề một cách xuất sắc hơn cách giải quyết trước đó hay không”, Kiều Trang nói.
Một khái niệm cũng được đề cập trong talkshow là thành trì sáng tạo (innovation stack). Để xây dựng một doanh nghiệp có giá trị, vợ chồng doanh nhân cho rằng cần không chỉ một mà một loạt yếu tố đổi mới sáng tạo.

Tại Misfit, startup do Vũ Xuân Sơn (Sonny Vũ) từng điều hành, khi ra mắt sản phẩm đầu tiên chỉ xếp thứ 40 trên thị trường. Cựu CEO Misfit thừa nhận doanh nghiệp không có công nghệ ưu việt. “Ai cũng có thiết bị theo dõi sức khỏe, nên chúng tôi bắt buộc phải đổi mới”, ôngSơn nói. “Bởi vậy, công ty phải tìm kiếm thị trường mới, định vị lại vị thế dựa vào quá trình xây dựng thương hiệu, phần mềm. Phần lớn những công việc này được thực hiện ở Việt Nam”.
Sonny Vũ
Vợ chồng Vũ Xuân Sơn và Lê Diệp Kiều Trang. (Nguồn ảnh: VnExpress.net)
Nếu những công ty đối thủ tập trung nhóm khách hàng nam giới, có hình thể cân đối, Misfit tiếp cận nhóm khách hàng nữ giới, thừa cân, muốn giảm cân. Doanh nghiệp bắt tay với các thương hiệu thời trang lớn, như Swarovski hay Victoria’s Secret, thay vì những nhân vật như Michael Phelps…
Bên cạnh đó, thay vì dồn nguồn lực vào thị trường Mỹ hay châu u, Misfit tập trung phát triển tại Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, thậm chí ở Nam Phi.

“38/40 đối thủ của chúng tôi chỉ tập trung vào một số thị trường nhất định vì không đủ nguồn lực, trong khi chúng tôi có thể tiếp cận 50 thị trường trong vòng 18 tháng”, Sonny Vũ nói.
Ngoài ra, để tiếp cận với các quốc gia, nhiều thị trường không nói tiếng Anh, CEO Misfit quyết định không chăm sóc khách hàng bằng hotline mà chuyển toàn bộ qua trực tuyến, trao đổi bằng email. Khi đi theo hướng này, doanh nghiệp hướng nhóm khách hàng của mình về nhóm quen dùng các sản phẩm công nghệ, bởi đây là nhóm khách không gọi điện thoại mà thường dùng email hoặc nhắn tin trên ứng dụng.

“Một sáng tạo này đẩy nhu cầu phải sáng tạo trong một lĩnh vực khác. Công ty có thể đi rất nhanh và cũng khó để công ty khác bắt chước được cách này”, Kiều Trang khẳng định.
Tựu chung, thành trì sáng tạo của Misfit bao gồm: thị trường trọng tâm, tâm lý khách hàng, thiết kế, phần mềm, phân phối và vận hành, xây dựng thương hiệu.

Giấc mơ đổi mới ngành công nghiệp sản xuất – Sonny Vũ

Một lĩnh vực của công nghiệp 4.0 được Sonny đề cập trong talk Nguy – Cơ 24 là sản xuất bồi đắp (additive manufacturing) hay in 3D. Đây là phương thức sản xuất mới, chế tạo sản phẩm bằng cách “đắp” từng lớp vật liệu lên nhau, mô phỏng theo thiết kế đã được vẽ sẵn trên phần mềm.

Nhược điểm của phương pháp này là đắt đỏ, cần nhiều thời gian và thường chỉ ứng dụng trên những vật dụng nhỏ. “Công nghệ in 3D sợi carbon của Arevo có thể giải quyết những điểm yếu này, có thể in những vật dụng kích thước lớn, nhanh chóng với chi phí thấp”, Sonny cho hay. “Sản phẩm của in 3D không chỉ được làm từ nhựa mà còn cả kim loại, thậm chí những vật liệu quý như composite sợi carbon, rất nhẹ và cứng. Đó có thể là xe đạp, xe hơi, đồ nội thất…”
Chứng kiến những sản phẩm sống động tạo ra từ công nghệ in 3D sợi carbon của Arevo, Vũ Xuân Sơn cho rằng đây là thứ tạo ra chuyển đổi lớn ở một số ngành công nghiệp và muốn đưa công nghệ này về Việt Nam.

Hành trình từ nghiên cứu đến sản xuất hàng loạt như hiện tại, doanh nghiệp gặp phải không ít khó khăn. “Về phần công nghệ, vật liệu rất đắt, chúng tôi phải tự làm. Máy lắp giá bán cũng cao, chúng tôi cũng phải tự lắp, tự sản xuất các miếng để lắp lại thành máy. Phần mềm cũng phức tạp”, CEO Arevo nói.

Theo Lê Diệp Kiều Trang, về kinh doanh, doanh nghiệp cũng gặp thử thách và phải đổi hướng. Xuất phát điểm ban đầu của Arevo là B2B: bán máy in 3D, nhưng Sonny Vũ chọn B2B2C: không chỉ bán máy in mà là lập nhà máy in và đưa ra các sản phẩm tiêu dùng.
Nói về lý do chọn sản phẩm in đầu tiên là chiếc xe đạp, Sonny Vũ cho biết: “Trong Covid-19, xe đạp phổ biến, ai cũng muốn mua. Ngoài ra, xe đạp cũng thể hiện được năng lực sản xuất của công ty”.

Ước mơ khi vợ chồng doanh nhân thành lập nhà máy in 3D là góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh cho công nghiệp sản xuất của Việt Nam. “Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh thực sự đến từ công nghệ”
Theo Lê Diệp Kiều Trang, tại Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp thành công thường họ có các sáng tạo về mặt vận hành, tài chính, hệ thống bán… nhưng hiếm thấy công ty nào có một lợi thế đặc biệt được xây dựng từ lõi công nghệ. “Trong tương lai, nếu chuyện này vẫn cứ tiếp diễn, tính khác biệt cũng như độc đáo của công ty khởi nghiệp Việt Nam sẽ không nhiều. Vì vậy không thể bảo vệ công ty này đủ lâu”, Kiều Trang nhận định.
Lê Diệp Kiều Trang
Ảnh cắt từ talk Nguy – Cơ 25. (Nguồn ảnh: VnExpress.net)

Talk Nguy – Cơ 25 đi sâu hơn về câu chuyện của doanh nghiệp trong Covid-19. Một khó khăn mà đội ngũ Arevo phải đối mặt trong đại dịch là phải tự lắp đặt chiếc máy in 3D đầu tiên về Việt Nam và vận hành nó, do các kỹ sư nước ngoài không thể trực tiếp sang Việt Nam hỗ trợ. Ngược lại, những cơ hội khác cũng mở ra, do mọi người tập trung cho công việc, doanh nghiệp có thể tuyển dụng nhân tài một cách dễ dàng hơn.

Ngoài ra, trong Covid-19, Arevo cũng gọi được 7 triệu USD thông qua gây quỹ cộng đồng. Theo Sonny Vũ, có hai điều quan trọng nhất đối với một chiến dịch gọi vốn cộng đồng, đó là một câu chuyện có tính kết nối và sức thuyết phục. “Câu chuyện ở đây rất đơn giản: xe đạp làm từ sợi carbon rất đắt đỏ, vì quá trình làm ra nó vô cùng phức tạp. Arevo có thể in 3D chiếc xe đạp nhanh và rẻ, nên giờ ai cũng có thể mua nó với mức giá 1.500 USD, rẻ hơn nhiều các đơn vị khác”, Sonny cho hay. “Thứ hai, đây là chiếc xe được sản xuất theo yêu cầu. Chỉ cần gửi các số đo như chiều cao của bạn chẳng hạn, rồi khung xe sẽ được in theo yêu cầu của bạn”.

Đến hiện tại, doanh nghiệp có khoảng 4.500-5.000 đơn hàng và đẩy mạnh tiến độ sản xuất máy in tại Việt Nam.

Song song đó, CEO Arevo không ngại tuyển những kỹ sư trẻ, những người có khả năng giải quyết vấn đề, thích những bài toán khó, đưa ra các cách giải quyết vấn đề mới.

Sáng tạo nên là “ước mơ trong sáng”

Nhận định về tư duy sáng tạo của giới trẻ Việt, Kiều Trang cho rằng nhiều người đang thoả mãn khá sớm mà không đẩy đến cùng để đưa ra sản phẩm hoàn hảo hơn. “Nhiều bạn không tập trung đặt ra câu hỏi đúng nên thường đưa ra giải pháp mới và tự hào đó là một sáng tạo. Đó có thể là sáng tạo, nhưng liệu có sâu sắc và thay đổi được nhiều hay không”, nữ doanh nhân cho hay. “Đừng coi sáng tạo là một áp lực mà không bắt đầu từ những câu hỏi hay, nó nên là một ước mơ rất trong sáng”.
Arevo
Lê Diệp Kiều Trang – Giám đốc tài chính Arevo, cựu CEO Facebook Việt Nam (Nguồn ảnh: VnExpress.net)

Theo cựu CEO Facebook Việt Nam, trong bất kỳ sự sáng tạo nào, động lực của nó phải luôn bắt đầu bằng lòng ao ước trong sáng là thay đổi, làm mới một điều gì đó, hơn là để chứng minh nó. “Chúng ta cần chuyển cảm hứng từ trái tim đến đôi tay và bắt đầu hành động. Chúng ta cần phải học hỏi không ngừng”, Sonny Vũ nói.

Theo vợ chồng doanh nhân, việc học hỏi ý tưởng, mô hình kinh doanh của người khác không có gì đáng tranh cãi. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì sẽ rất khó để có được lợi thế lâu dài. Mọi người đều phải chủ động trong hành trình xây dựng cả kiến thức, kỹ năng đến nguồn lực của công ty.

Trong khi đó, nhiều bạn trẻ ở Việt Nam dù chưa startup nhưng vẫn sợ người khác bắt chước ý tưởng của mình. Theo vợ chồng doanh nhân, nhiều người có suy nghĩ đó vì chưa có nhiều trải nghiệm, cũng như nhìn nhận thế giới của sự sáng tạo.

“Một khi quan sát được nhiều hơn, mọi người sẽ cảm thấy thay vì lo lắng về chuyện bắt chước hay bị bắt chước, sự sáng tạo sẽ đưa bạn đi rất nhanh, hơn là chỉ lo phòng thủ”, CEO Arevo nói.

Nguồn bài: VnExpress.net

Bài viết liên quan

#30 | Công thức chuyển đổi số khác biệt của PNJ

video

#31 | Triết lý khai phóng con người giúp PNJ giữ vững vị thế đứng đầu

video

#29 | Đầu tư logistics là chiến lược giúp Lazada tạo hệ sinh thái bền vững’

video

S-World 2022. All Rights Reserved Điều khoản sử dụng