#09 | TS Nguyễn Cao Trí đưa tư duy kinh doanh vào giáo dục vào Đại học Văn Lang

glow

#09 | TS Nguyễn Cao Trí đưa tư duy kinh doanh vào giáo dục vào Đại học Văn Lang

Covid-19 đẩy nhanh cuộc chuyển đổi số trong ngành giáo dục, đòi hỏi các nhà giáo phải thay đổi tư duy, theo Chủ tịch hội đồng trường ĐH Văn Lang.

Trao đổi cùng host Nguyễn Phi Vân trong talkshow Nguy – Cơ số 9, doanh nhân Nguyễn Cao Trí cho biết hệ thống kinh doanh của ông bao gồm ba mảng lớn là bất động sản, F&B và giáo dục. Trước tác động của Covid-19, nhiều thay đổi lớn đã xảy ra.

Trong đó, lĩnh vực bất động sản và F&B ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt doanh thu mảng F&B giảm 50-60% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận nhờ lĩnh vực giáo dục không giảm, tăng vài chục phần trăm so với cùng kỳ.

“Một trong những yêu cầu bức thiết trong đại dịch là phải chuyển đổi số. Những doanh nghiệp có thể chuyển đổi online vẫn tồn tại và phát triển. Giáo dục đáp ứng được yêu cầu này, người học tăng, phụ huynh vẫn nộp tiền, tất cả chi phí đều đáp ứng được nên doanh thu tăng, giúp doanh nghiệp phát triển”, ông Trí nhận định.

Cuộc chuyển đổi lớn trong ngành giáo dục

Với ĐH Văn Lang dự kiến đến năm 2025 mới chuyển đổi nền tảng trực tuyến. Sau 2 tuần Covid-19 xuất hiện, hơn 20.000 sinh viên đã học online.

“Đây là điểm tích cực, kết quả bước đầu của việc nghiên cứu hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Điều mà chúng tôi biết chắc chắn nó sẽ đến, nhưng không nghĩ đến nhanh như thế và bất ngờ như thế”, ông Trí nói.

Trước câu hỏi của host Phi Vân về cuộc chuyển đổi lớn trong ngành giáo dục, khi người học chỉ cần học thực chiến online trọn đời, TS Nguyễn Cao Trí nhận định rằng rất nhiều người sẽ ủng hộ phương án này nhưng nhiều người không thích ứng được.

Nguyễn cao trí

TS Nguyễn Cao Trí. (Nguồn ảnh: VnExpress.net)

Tuy nhiên, ông cũng dẫn chứng không chỉ thế giới mà Việt Nam cũng có mô hình tương tự. Đơn cử hệ đại học FUNiX của FPT có chương trình giáo dục từ xa. Họ tích hợp chương trình đại học vào chương trình phổ thông, học qua mạng.

Một cô bé 17 tuổi ở Quảng Ninh tốt nghiệp chương trình phổ thông nhưng FPT họ công nhận tương đương với kĩ sư công nghệ thông tin. Dù chưa được pháp luật công nhận, chưa cấp bằng nhưng FPT đồng ý tuyển dụng, trả lương cho học sinh này, tương đương kĩ sư công nghệ thông tin là cử nhân.

“Tôi nghĩ ý tưởng của FPT cũng tương tự của tập đoàn lớn, công nghệ lớn. Chẳng hạn Google có chương trình 6 tháng rất hay. Khi học xong, họ kiểm tra, phỏng vấn mà qua sẽ được nhận vào hệ thống của Google với mức lương khởi đầu là 65.000USD”, ông Trí nói.

Theo Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Văn Lang, đây là xu thế là tương lai. Công nghệ đang thay đổi mạnh mẽ, trong khi đó, cách học truyền thống cũng đang bộc lộ nhiều nhược điểm.

“Nhiều môn học rất mất thời gian. Trước đây chúng ta phải ngồi, vẽ, tính toán, tư duy, bây giờ thao tác click chuột là xong. Những điều máy móc làm được, mình không cần làm nữa, chỉ làm những điều máy chưa làm được thôi”, ông Trí nói.

Vị chuyên gia cho rằng có thể rút thời gian học tập. Thay vì phải học trong một giai đoạn, có thể học 6 tháng, nhưng vài năm sau quay lại học vài tháng để cập nhật kiến thức liên tục. “Sinh viên không chỉ cần học 4 năm và đi làm là xong, chắc chắn sẽ lạc hậu”, ông Trí nói.

Theo hướng này, TS Nguyễn Cao Trí đặt ra khái niệm mới là các tổ chức giáo dục cần trở thành tổ chức mang tính dịch vụ, coi người học là khách hàng trọn đời.

Vị khách mời cho rằng thời gian tới sẽ có cuộc chuyển đổi lớn trong giáo dục. Ông dẫn chứng thống kê, 65% nghề nghiệp hoàn toàn mới sẽ xuất hiện trong 10 năm tới. Điều này đặt ra câu hỏi với các nhà giáo dục là sẽ dạy cho học sinh điều gì, trong khi là chưa biết họ sẽ làm gì.

“Chúng ta không dạy như trước đây là dạy ra làm cái ly hay cái màn hình, mà cần dạy học trò tư duy sáng tạo. Hai cách dạy hoàn toàn khác nhau, một cách dạy ra để làm cái cụ thể, một cái dạy ra để thích ứng trong mọi hoàn cảnh”, ông Trí nói.

Giáo dục trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Đề cập tới câu chuyện thúc đẩy giới trẻ tham gia khởi nghiệp từ trường đại học, host Nguyễn Phi Vân dẫn chứng thực tế nhiều trường đang làm công việc này như một phong trào. “Văn Lang làm gì khác đi để việc khởi nghiệp trong trường đại học được bền vững?”, host Phi Vân đặt vấn đề.

TS Nguyễn Cao Trí lý giải, các giảng viên không thể dạy cho sinh viên lập nghiệp, khởi nghiệp khi chưa bao giờ khởi nghiệp. ĐH Văn Lang vài năm gần đây cũng triển khai hệ sinh thái về giáo dục, một phần của hệ sinh thái về đổi mới sáng tạo.

“Tại ĐH Văn Lang, chúng tôi có đội ngũ và đủ mối quan hệ, có người thật, việc thật để hướng dẫn và cho sinh viên trải nghiệm thực tế”, ông Trí khẳng định.

Theo ông Trí, yếu tố cốt lõi giúp khởi nghiệp thành công là con người, mối quan hệ của những người tài năng cũng như cơ chế, chính sách cho họ và sản phẩm họ ra đời. Trung tâm đổi mới sáng tạo của ĐH Văn Lang hướng tới những yêu cầu này.

Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Văn Lang dẫn chứng, đổi mới sáng tạo không ra đời từ những tòa nhà cao tầng hay những thứ to tát. Đơn cử Thung lũng Sillicon, nơi không có tòa nhà nào hai tầng. Nhiều sản phẩm thay đổi thế giới ở đây đã ra đời trong những garage ôtô chật hẹp.

“Trung tâm đổi mới sáng tạo của ĐH Văn Lang mời những nhân vật từ Silicon Valley như Vũ Duy Thức, Hùng Trần hay Vòng Thanh Cường, những người đã thành lập những doanh nghiệp sáng tạo đổi mới sáng tạo để bán cho Google, Facebook… vài chục triệu USD mỗi công ty trở lên”, ông Trí cho biết.

Theo ông Trí, một hệ sinh thái có 3 vòng tròn. 25 năm trước đây ĐH Văn Lang chỉ xây được vòng tròn trong cùng là lý thuyết. Nhưng hai năm gần đây, ngôi trường bắt đầu xây vòng thứ hai là kết hợp lý thuyết gắn với thực hành. Ví dụ trường có khoa y dược thì bên ngoài phải có bệnh viện, có khoa du lịch thì phải có trường quản lý khách sạn nhà hàng.

Trường đang xây vòng thứ 3 là công nghệ hóa để mở rộng bằng công nghệ, để người học kết nối với Văn Lang từ bất cứ đâu trên thế giới.

ĐH Văn Lang thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo mang tính quốc gia, thu hút nhân tài nhằm tạo ra nền tảng về công nghệ hiện thực hóa mục tiêu biến vòng thứ hai thành vòng thứ ba.

Từ thực tế hoạt động, TS Nguyễn Cao Trí nhận định những nhà giáo dục, tổ chức giáo dục cần đầu tư lắng nghe thị trường, đặc biệt là lắng nghe thế hệ trẻ và lắng nghe xu thế công nghệ.

Dù công nghệ đã thay đổi khá nhiều, ông Trí cho rằng điều lớn nhất có lẽ chưa đến. “Công nghệ cũng như gió và nước vậy, chúng ta không cản được. Nếu ai có sự thích ứng thì nổi, còn không nó sẽ lấp tất cả”, vị doanh nhân cho hay. Đây là điều ban lãnh đạo ĐH Văn Lang luôn trăn trở và tìm giải pháp để thích nghi, tồn tại với mọi thay đổi.

Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, trong văn hóa và chương trình của ĐH Văn Lang cũng trau dồi phẩm chất của sinh viên. Các sinh viên được học kĩ năng để lo cho bản thân, gia đình mình, đất nước và nhân loại.

“Mỗi mức độ đòi hỏi phải có những cách thức truyền tải cho sinh viên. Nếu sinh viên không được đào tạo kiến thức sẽ biến ra những con người tầm thường, không có ước vọng và không làm được những điều lớn lao”, ông Trí nói.

Văn lang

Ảnh cắt từ talkshow Nguy – Cơ số 9 (Nguồn: VnExpress.net)

Với tinh thần đó, trong đại dịch vừa qua, ĐH Văn Lang đã thực hiện hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Từ tháng 1, khi thế giới bắt đầu có những ca Covid-19 đầu tiên, trường đại học nghiên cứu nhanh và rút ra rằng ở Việt Nam có chưa tới 2.000 máy thở. Đối chiếu với tài liệu của Vũ Hán, dịch bệnh nếu bùng phát ở Việt Nam, với số lượng máy thở như vậy nguy cơ “vỡ trận” là rất lớn.

Trong bối cảnh đó, ĐH Văn Lang trực tiếp bàn với một số tập đoàn sản xuất máy thở hàng đầu thế giới. “Được sự động viên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tôi kết nối trực tiếp với anh Trần Ngọc Phúc Metran Japan. Lúc đó Metran có nhiều đơn hàng từ khắp thế giới nhưng đã ưu tiên cho Việt Nam và kết nối với Văn Lang”, vị doanh nhân cho biết.

Ngay sau đó, trường đại học hỗ trợ kinh phí để Metran đưa ra giải pháp máy thở. Sau 6 tháng quyết liệt, các bên đưa thành công lô 2.000 máy thở về Việt Nam và tặng cho tất cả các tỉnh thành, bộ ngành. Đây là một trong những việc làm thể hiện mục tiêu rèn luyện phẩm chất của ĐH Văn Lang.
Nguồn bài viết: VnExpress.net

Bài viết liên quan

#30 | Công thức chuyển đổi số khác biệt của PNJ

video

#31 | Triết lý khai phóng con người giúp PNJ giữ vững vị thế đứng đầu

video

#29 | Đầu tư logistics là chiến lược giúp Lazada tạo hệ sinh thái bền vững’

video

S-World 2022. All Rights Reserved Điều khoản sử dụng