#10 | Tiến sĩ Vũ Duy Thức – Đi để trở về kết nối cộng đồng công nghệ
Theo TS Vũ Duy Thức, giới khởi nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế trong tư duy sản phẩm, thiếu tính kết nối, trong talkshow Nguy – Cơ 10.
Chương trình “Nguy – Cơ” số 10 diễn ra ngày 11/11 theo hình thức trực tuyến, kết nối hai điểm cầu Croatia và Việt Nam. Khách mời của chương trình, TS Vũ Duy Thức đã tương tác với host Nguyễn Phi Vân bằng robot tại trường quay chương trình dù cách Việt Nam nửa bán cầu.
Chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong Covid-19, TS Vũ Duy Thức, CEO Ohmni Labs và Kambria cho biết, khi đại dịch mới xảy ra, đội ngũ gặp khó khăn ban đầu trong vận chuyển, sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên đội ngũ cộng tác viên của công ty nhanh chóng tìm cách phục hồi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất.
Cũng trong Covid-19, nhu cầu sử dụng robot – sản phẩm chủ lực tại công ty của Thức tăng đột biến trong các ngành nghề, từ y tế, giáo dục, kinh doanh… “Trong trường hợp bệnh nhân Covid-19 bị cách ly, y bác sĩ chăm sóc cũng có nguy cơ lây nhiễm. Khi đó robot có thể di chuyển, kết nối bệnh nhân với y bác sĩ cũng như người nhà của họ”, Thức chia sẻ.
Khát vọng kết nối startup Việt
Đến nay, Vũ Duy Thức tham gia đầu tư, tư vấn hơn 10 công ty. Nhiều công ty bước đầu thành công như Elsa, Genetica… Thời gian tới, CEO 8x muốn đầu tư nhiều hơn cho các startup cũng như tham gia sau vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Vị doanh nhân sinh năm 1982 có định hướng đầu tư trong nhiều mảng, từng bước tạo hệ sinh thái hoàn chỉnh cho sự phát triển công nghệ. Đó là giáo dục đào tạo công ty phát triển công nghệ; nền tảng sáng tạo mở và đầu tư, cụ thể là tham gia cùng Do Ventures hỗ trợ startup Việt Nam…
Trong vai trò nhà đầu tư, Vũ Duy Thức nhận định đây là thời điểm thích hợp cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. “Chúng ta đã có lượng người dùng Internet và thiết bị công nghệ đủ lớn, có sự đầu tư từ Chính phủ cũng như các quỹ đầu tư. Thực tế đã chứng minh sau khủng hoảng là thời điểm mà những công ty công nghệ lớn ra đời”, vị chuyên gia nhận định.
TS Vũ Duy Thức (đứng) tại startup Ohnmi Labs (Nguồn: VnExpress)
Đánh giá về sự phát triển của AI tại Việt Nam, TS Vũ Duy Thức thẳng thắn nhận định thị trường đang ở mức độ sơ khai. Những tài năng công nghệ Việt như những “viên ngọc thô” cần quá trình rèn luyện, tìm hiểu thêm về công nghệ.
Trong tương lai gần, một số lĩnh vực AI sẽ thành công cụ sống còn như ngân hàng: phân tích dữ liệu, phân tích khách hàng, hay nông nghiệp, y tế để dự đoán những đột biến, thay đổi bất ngờ một cách chính xác hơn.
Là người ứng dụng AI 15 năm, vị này ủng hộ sự phát triển công nghệ tại Việt Nam. Theo Thức, nhiều ngành nghề mới, thú vị hơn sẽ mở ra nhờ AI là người huấn luyện ngôn ngữ AI, người dịch được ngôn ngữ AI sang ngôn ngữ bình thường…
“Không ít tài năng công nghệ Việt đứng ở vị trí cao tại các công ty lớn của thế giới, mong muốn quay về đóng góp cho sự phát triển của công nghệ. Đây là những nhân tố thúc đẩy sự phát triển của công nghệ Việt nếu có sự kết nối’, vị CEO trẻ nói.
Điểm yếu của giới khởi nghiệp Việt
Để có sản phẩm, vươn ra thị trường quốc tế, Vũ Duy Thức cho rằng startup Việt cần phát triển những công nghệ độc đáo, giải quyết bài toán lớn. Họ cũng cần có kinh nghiệm tìm hiểu, khám phá và xâm nhập các thị trường khác nhau.
“Do Ventures có thể hỗ trợ phát triển công nghệ chuyên sâu như AI, Big Data… Chúng tôi hy vọng kết nối tài năng Việt, chuyên gia hàng đầu trên thế giới để xây dựng đội ngũ, đẩy nhanh phát triển sản phẩm, hỗ trợ tài chính, kết nối với các doanh nghiệp khác”, Thức cho biết.
Trả lời câu hỏi tương tác từ độc giả về hạn chế của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt, Thức nhận định cộng đồng khởi nghiệp thời gian qua đã có môi trường thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, hạn chế của startup Việt là cách tư duy sản phẩm.
“Họ cần có sự cọ xát, tư vấn từ các công ty công nghệ, quỹ đầu tư trên thế giới giúp founder phát triển tốt hơn. Họ cũng cần được hỗ trợ về thông tin: đường hướng phát triển, quy chế, pháp lý, ngân hàng,.. chưa có cổng thông tin chính thức cho giới khởi nghiệp”, CEO 8x nhận định.
Về nguồn nhân lực AI tại Việt Nam chỉ đáp ứng 1/10 nhu cầu, Vũ Duy Thức cho rằng, tài năng AI thiếu hụt là tình trạng chung trên thế giới. Đặc biệt ở Mỹ, Trung Quốc, dù có bước phát triển mạnh mẽ.
“Chúng ta cần hệ thống giáo dục bài bản, đưa công nghệ vào giảng dạy vào những năm đầu đại học. Cũng cần tạo điều kiện cho các bạn trẻ, tạo ra những hạt giống để cùng nhau nghiên cứu, đưa ra sản phẩm có tính đột phá, lan tỏa tạo ra cộng đồng vững mạnh”, vị này nói.
Nguồn: VnExpress