#10 | PGS. TS. Phan Toàn Thắng và Tiêu Yến Trinh – nhà sáng lập và Tổng Giám đốc Talentnet. – Chuyển đổi số là sống còn đối với từng doanh nghiệp và từng quốc gia

glow

#10 | PGS. TS. Phan Toàn Thắng và Tiêu Yến Trinh – nhà sáng lập và Tổng Giám đốc Talentnet. – Chuyển đổi số là sống còn đối với từng doanh nghiệp và từng quốc gia

Theo bà Tiêu Yến Trinh, nhà sáng lập Talentnet, bài học về chuyển đổi số của Singapore với sự hỗ trợ tích cực của nhà nước là điều Việt Nam nên học tập.

Talkshow Nguy – Cơ số 10, mùa 2 với sự đồng hành của Tổng cục Du lịch Singapore, xoay quanh câu chuyện của 2 quốc gia với 2 khách mời là PGS. Phan Toàn Thắng, nhà sáng lập và giám đốc nghiên cứu khoa học của tập đoàn CellResearch, hiện sống tại Singapore; và bà Tiêu Yến Trinh – nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Talentnet, đang sống tại TP HCM.

Tác động của Covid-19 tới quá trình chuyển đổi số – Chia sẻ CEO Talentnet

Thống kê cho thấy, riêng tại châu Á, tốc độ chuyển đổi số trong năm 2020-2021 đã gấp 10 lần so với 2017-2019, trong khi con số này trên toàn cầu là hơn 7 năm, theo bà Tiêu Yến Trinh. Không nằm ngoài guồng quay đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu kết nối và tăng tốc quá trình chuyển đổi số.

Tại Talentnet, người sáng lập doanh nghiệp mở thêm nhánh mới là HR Tech Solution – giải pháp công nghệ cho quản trị nguồn nhân lực. Ngoài mô hình kinh doanh, doanh nghiệp cũng chuyển đổi cơ cấu tổ chức, làm nhiều dự án và phát triển sản phẩm mới, định hình dự án và làm các nghiên cứu thực thi nhanh hơn. Công ty này cũng đẩy mạnh đầu tư trong nội bộ. 100% văn phòng làm việc tại nhà. Việc chuyển lương, hệ thống chuyển lương được số hóa. Với nhân viên, doanh nghiệp đầu tư hệ thống ERP People Strong, tự động hóa tất cả điểm chạm trong trải nghiệm nhân viên.

Talentnet
Talkshow Nguy – Cơ số 10 mùa 2. (Nguồn ảnh: VnExpress.net)

Từ đầu cầu Singapore, ông Phan Toàn Thắng cho biết, đảo quốc sư tử đã chuyển đổi số từ trước thời điểm Covid-19 diễn ra. Công việc của ông, cả hoạt động hàn lâm ở Đại học Quốc gia Singapore và doanh nghiệp đã số hoá quy trình vận hành. “Chúng tôi hoạt động toàn cầu, ngồi khắp nơi trên thế giới nên từ trả lương nhân sự, thanh toán quốc tế, đào tạo khoa học công nghệ, các thực nghiệm lâm sàng bên Mỹ đều thực hiện chuyển đổi số. Luật sư bản quyền của chúng tôi ngồi ở Đức, hoặc đội digital marketing thì người ở Hong Kong, người ở Philippines”, ông Thắng nói. “Điểm khác khi Covid-19 bùng lên là hoạt động giảng dạy hoàn toàn số hóa. Những hội thảo khoa học chuyển sang làm online”.

Bài học chuyển đổi số từ Singapore

Đề cập tới câu chuyện của Singapore, bà Tiêu Yến Trinh đánh giá cao cách Chính phủ, Bộ Lao động nước này kết nối với các viện quản trị nguồn nhân lực để xây dựng bộ kỹ năng tương lai. Đây là công cụ giúp doanh nghiệp tham khảo và xây dựng cho doanh nghiệp mình bộ kỹ năng riêng. Singapore cũng có viện đào tạo về kỹ năng lãnh đạo và quản lý cho tất cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, nơi Chính phủ nước này tài trợ một phần ngân sách đào tạo.

Câu chuyện này truyền cảm hứng cho bà Trinh kiến nghị với Chính phủ Việt Nam làm sao phổ cập năng lực, kỹ năng cho lãnh đạo và quản lý trong hệ thống bộ máy của chính quyền, lan tỏa trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Gần đây, Chính phủ Việt Nam cũng đưa ra nhiều quyết sách hỗ trợ việc giảm thuế cho các doanh nghiệp, giảm chi phí và hỗ trợ một phần ngân sách cho doanh nghiệp trong Covid-19, giảm hỗ trợ cho lao động thất nghiệp…

Theo bà Tiêu Yến Trinh, Covid-19 mở ra cơ hội phát triển offline qua online, hoặc những mô hình kinh doanh mới, sáng tạo đột phá. Chuyển đổi số thành một trong những chiến lược của doanh nghiệp. Bà cũng thấy giai đoạn này, cần đưa hiệu suất của công ty đến gần với hiệu suất nhân viên, cụ thể là đặt kết quả quan trọng hơn nỗ lực.

Bà Tiêu Yến Trinh, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Talentnet. (Nguồn ảnh: VnExpress.net)

Việc quản trị cần tập trung vào trải nghiệm nhân viên, từ tuyển dụng, đào tạo online, đánh giá hiệu quả nhân viên đến quản trị nhân tài, kế thừa các kỹ năng toàn tổ chức. Doanh nghiệp sắp tới sẽ dùng chatbot thay thế người trả lời các chính sách cơ bản.

Nhờ quá trình ứng dụng chuyển đổi số, năng suất lao động, hiệu suất lao động tăng lên rất mạnh mẽ, đây cũng là thực tế diễn ra tại các nước như Singapore. Tại doanh nghiệp của ông Thắng, đội sale bán online phải nắm vững các giải phápdigital sales, e- marketing, e-commerce để bán trên phạm vi toàn cầu. Bản thân ông cũng dùng ví điện tử nhiều hơn, ví dụ các chế độ như Paypal, PayNow, EBS…

Trước Covid-19, Singapore đã triển khai các lộ trình, có nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp của EDB, Enterprise Singapore, Bộ Lao động MOM chi các khoản hỗ trợ về phần đó. Ví dụ, nâng cấp hệ thống IT, mua các thiết bị như laptop để làm online. Ông Thắng ví dụ, ứng dụng TraceTogether có ghi toàn bộ thông tin mỗi người như lịch trình di chuyển, nơi check in, check out và lịch sử tiêm chủng. “Bây giờ họ có quy định muốn ngồi trên 5 người phải tiêm đủ 2 liều vaccine, nếu chưa tiêm đủ mà vẫn ngồi thì họ phạt không cho vào. Không có ứng dụng này thì không thể đi đâu được, phải có mới vào được công sở, các tòa nhà, siêu thị, bệnh viện, trường học”.

Ở các sự kiện và kể cả những địa điểm du lịch ở Singapore, các lộ trình an toàn cũng được áp dụng để quản lý rủi ro và đảm bảo sức khỏe của người tham dự, và với sự hỗ trợ của công nghệ, quá trình này trở nên nhanh chóng và thuận lợi hơn bao giờ hết.

Trước xu hướng chuyển đổi số trong Covid-19, các doanh nghiệp công nghệ Việt cũng nắm bắt thời cơ, đẩy mạnh kết nối và tạo ra các giải pháp, sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Kéo theo đó là hệ sinh thái chuyển đổi số để doanh nghiệp phục vụ cho khách hàng và có những cơ hội kinh doanh khi thay đổi hành vi tiêu dùng.

Những kỹ năng cần thiết trong tương lai

Từ những năm 2000, khi ông Phan Toàn Thắng bắt đầu sang định cư tại Singapore đã có những khái niệm như nâng cao kỹ năng của người lao động. Thời điểm đó, cơ cấu kinh tế Singapore bắt đầu thay đổi, khâu sản xuất dần chuyển sang Trung Quốc, khiến Singapore thừa một lượng nhân công. Nhà nước có kế hoạch đào tạo cho những lực lượng này. Bản thân ông Phan Toàn Thắng cũng nhận được hỗ trợ từ Chính phủ Singapore để học các khoá học cần thiết cho công việc.

PGS.TS Phan Toàn Thắng, nhà sáng lập và giám đốc nghiên cứu khoa học của tập đoàn CellResearch. Ảnh: NVCC

Quốc đảo này đã trải qua thời gian dài toàn cầu hóa nên việc sử dụng nhân lực toàn cầu là phổ biến. Nhân sự không những thông thạo tiếng Anh mà còn có thể giỏi tiếng Hoa, hoặc một số các ngôn ngữ của Ấn Độ như Hindi hoặc Tamil…

Tương tự, bà Tiêu Yến Trinh cho rằng ngoại ngữ và kỹ năng công nghệ số cũng là kỹ năng bắt buộc, cơ bản đối với thế hệ tương lai để thích ứng với xã hội. Bà cũng nhấn mạnh, mọi doanh nghiệp đều cần những nhân sự có năng lượng tốt, biết tự quản lý mình vượt qua sóng gió. Để làm được điều đó, mỗi người cần trau dồi để có nâng cao 4 chỉ số là: EQ – trí thông minh cảm xúc, IQ, SQ – trí tuệ tinh thần và PQ – trí tuệ thể chất. Những nhân sự này cũng cần có bộ ba tư duy về sáng tạo, phản biện và giải quyết vấn đề. Song song đó, bà cũng đề cập tới tầm quan trọng của kỹ năng về tech savvy – am hiểu công nghệ trong tương lai.

Từ góc nhìn một chủ doanh nghiệp tại Singapore, ông Thắng cho rằng cạnh tranh rất khốc liệt, đòi hỏi phải luôn làm ra sản phẩm mới. Sự sáng tạo được đặt lên hàng đầu. Và vì Singapore rất nhỏ nên nếu muốn giữ mức tăng trưởng kinh tế phải có cộng hưởng toàn cầu, không chỉ riêng với khu vực phương Tây, mà khu vực châu Á.

“Thách thức lớn nhất là phải luôn luôn sáng tạo ra sản phẩm mới, đi trước thế giới để giữ được mức tăng trưởng kinh tế cũng như là sự thịnh vượng đang có hiện nay”, ông Thắng phân tích. Để làm được điều đó, Singapore có chính sách khuyến khích sáng tạo và thu hút nhân tài quốc tế. Các khoa học gia hàng đầu thế giới có thể đến Singapore hoặc liên kết với Singapore, cùng các nhà khoa học Singapore đưa ra sáng tạo mới. Quốc đảo này một năm chịu chi đến 5 tỷ USD cho khoa học sáng tạo, khoa học công nghệ và sáng tạo. Khẩu hiệu của họ dùng đến ba từ, “R – I – E” tức là research (nghiên cứu), innovation (đổi mới sáng tạo) và enterprise (doanh nghiệp).

Theo ông Thắng, nhờ có sự tương đồng về tư duy và văn hóa Á châu, Singapore và Việt Nam duy trì được mối quan hệ hợp tác hòa hợp trong hơn 40 năm qua. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt học hỏi được nhiều bài học ý nghĩa.

Đó cũng là điều bà Trinh cảm nhận rõ sau quá trình tiếp xúc với nhiều các doanh nghiệp Singapore đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư. Hy vọng sau Covid-19 sẽ có những chuyến đi thực tế cho các doanh nghiệp giữa hai nước để học hỏi cũng như trao đổi hợp tác, cùng tạo ra giá trị và cơ hội cho nhau.

“Xu hướng trong 5 năm nữa, những doanh nghiệp có tiềm năng trong ngành công nghệ, ngành dịch vụ có những sản phẩm đặc thù sẽ cố gắng lấn sân sang thị trường khu vực ASEAN, xem Singapore là điểm phù hợp để mở văn phòng trụ sở chính và xây dựng, nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam”, bà Trinh kỳ vọng. Song song đó, Singapore luôn “trải thảm đỏ” chào đón nhân tài tới học hỏi, tìm hiểu về sự đổi mới công nghệ mà quốc gia này đạt được.
Nguồn bài viết: VnExpress.net

Bài viết liên quan

#26 | CEO Vua Nệm Hoàng Tuấn Anh: Cơ hội bứt phá trong kỷ nguyên chăm sóc sức khoẻ từ giấc ngủ

video

#12 | Đạo diễn Charlie Nguyễn và Nguyễn Thành Trung – NFT và tương lai của ngành công nghiệp giải trí

video

#29 | KBank Thái Lan: Việt Nam sẽ là nước dẫn đầu tăng trưởng liên kết kinh tế Đông Nam Á

video

S-World 2022. All Rights Reserved Điều khoản sử dụng