#21 | Sếp Mekong Capital chia sẻ cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Tư duy của CEO, nhà sáng lập sẽ quyết định doanh nghiệp đó đi xa đến đâu, theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, đồng Tổng giám đốc Mekong Capital.
Khách mời của talk Nguy – Cơ 21 là bà Nguyễn Thị Minh Giang, Tổng giám đốc khối Nhân tài và Văn hóa doanh nghiệp quỹ đầu tư Mekong Capital. Minh Giang sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi, thừa hưởng nhiều tính cách của người miền Trung như suy nghĩ lạc quan, tích cực.
Một tiêu chí trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp mà bà đề cập đến là “work-life integration” – hòa hợp giữa cuộc đời và công việc. “Ở Mekong Capital, chúng tôi không cố gắng để nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Chúng tôi tạo ra môi trường để họ tận hưởng và trải nghiệm cuộc đời ngay tại nơi làm việc”.
Một trong những chính sách của doanh nghiệp này được nhiều nhân viên hưởng ứng là nhân sự có thể đăng ký nghỉ trong 3-6 tháng, tham gia vào những chương trình bất kỳ mà họ mong muốn.
“Trong tầm nhìn chung của công ty, mỗi nhân sự cần thấy cá nhân mình trong đó. Mỗi ngày đi làm, họ biết rằng việc mình đang làm không chỉ để kiếm tiền, tạo ra giá trị cho công ty mà cũng rất đồng thuận với mục tiêu cá nhân, hay tiếng gọi của cuộc đời mình”, sếp Mekong Capital nhấn mạnh.
Nhân sự – nền tảng cốt lõi cho mỗi doanh nghiệp tại Mekong Capital
Tại quỹ đầu tư Mekong Capital, từ chọn lựa công ty đầu tư đến giai đoạn hỗ trợ công ty đó, yếu tố con người luôn được đặt lên hàng đầu.
Trong quá trình tham gia thẩm định các công ty mà Mekong Capital đầu tư, Minh Giang chịu trách nhiệm phỏng vấn và tìm hiểu về yếu tố con người. “Đầu tiên là giá trị cốt lõi mà người CEO, nhà sáng lập theo đuổi. Tôi đánh giá cao người CEO, nhà sáng lập có sự lắng nghe, cởi mở, ham học hỏi, vì việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp đều bắt đầu từ họ”, bà Minh Giang cho hay.
Để quyết định đầu tư hay không đầu tư, bên cạnh những con số về công ty, kinh doanh…, vai trò của người dẫn đầu và cách họ lãnh đạo rất quan trọng. “Liệu người CEO, nhà sáng lập đó có sẵn lòng để tin cậy và giao quyền hay không? Họ có sẵn lòng tuyển dụng các vị trí nhân sự cấp cao hay không? Hay họ chỉ muốn sử dụng người trong gia đình mình vì đã quen nhau lâu rồi?”, bà Giang đặt câu hỏi.
Từ quan điểm cá nhân, vị này cho rằng tỷ trọng con người chiếm đến 70% trong một quyết định đầu tư. Đó cũng là lý do Mekong Capital từng quyết định không đi tiếp với một số công ty dù tiềm năng trong ngành rất lớn.
Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Tổng Giám đốc khối Nhân tài và Văn hóa doanh nghiệp. (Nguồn ảnh: VnExpress.net)
20 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Mekong Capital rót vốn và gắn liền với thành công của các thương hiệu Thế giới di động, Golden Gate, F88, Pharmacity, Pizza 4P’s… “Đó là hành trình phải trả giá bằng rất nhiều bài học xương máu và nước mắt”, đại diện doanh nghiệp khẳng định.
Bà Giang đề cập câu chuyện thành công của F88 – doanh nghiệp theo đuổi sứ mệnh thay đổi định kiến về ngành cầm đồ ở Việt Nam. Từ năm 2015, Mekong Capital rót vốn vào F88, tổ chức nhiều khoá huấn luyện để thay đổi tư duy nhà sáng lập.
Đội ngũ F88 cũng được đưa sang học hỏi một công ty cầm đồ trị giá 3 tỷ USD bên Thái Lan. Nhờ những khóa huấn luyện này, đội ngũ lãnh đạo F88 càng trải nghiệm ra yếu tố con người quan trọng như thế nào, từ phục vụ khách hàng, cách thức tuyển dụng, sa thải, đào tạo đội ngũ…
Sau 5 năm, chuỗi cầm đồ F88 từ 10 cửa hàng mở rộng đến 300 cửa hàng. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu mở tiệm cầm đồ với phong cách chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ khách hàng tốt hơn. “Rõ ràng sứ mệnh đang dần hiện thực hoá, đó là thay đổi định kiến về ngành cầm đồ”, đại diện doanh nghiệp cho biết.
Nhiều nhân sự cấp cao làm tại các ngân hàng và tập đoàn lớn cũng thay đổi tư duy tiêu cực về ngành, sẵn sàng đầu quân về F88.
‘Covid-19 là phép thử cho văn hóa doanh nghiệp’
Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, có không ít doanh nghiệp dù trả lương đủ, song nhân viên vẫn sẵn sàng kiện tụng sau này. Trong khi có một số công ty không trả lương cao mà những nhân viên đó sẵn lòng giảm lương đến khi nào công ty mình bình thường trở lại. Điều này đều bắt nguồn từ văn hóa doanh nghiệp, vì phép thử cho văn hoá doanh nghiệp là con người.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi mục tiêu tồn tại và phát triển được ưu tiên, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp không phải bài toán dễ dàng. Song bà Giang cho rằng, để xây dựng văn hóa doanh nghiệp không nhất thiết tốn kém nhiều chi phí. Có không ít doanh nghiệp nhỏ lương trả không cao, nhưng mọi người gắn bó với nhau như những người trong gia đình.
“Khi thành lập công ty cho dù là startup, SME hay các công ty lớn thì lúc nào văn hoá doanh nghiệp cũng có sẵn, chứ không phải đợi nghe cụm từ ‘xây dựng văn hoá doanh nghiệp’ rồi mới bắt đầu thực hiện”, bà Giang nêu rõ.
Cụ thể hơn, văn hóa chính là cách doanh nghiệp ra quyết định, phương pháp giao tiếp và phối hợp làm việc trong nội bộ với nhau hay với bên ngoài. Doanh nghiệp nếu muốn dẫn đầu thị trường, cạnh tranh với các đối thủ lớn, các công ty đa quốc gia, bắt buộc phải xây dựng văn hoá doanh nghiệp, bà Giang khẳng định.
Lãnh đạo Mekong Capital so sánh một công ty là một con tàu. Trên con tàu đó, thuyền trưởng nói phải xác định điểm đến cuối cùng, dù trên tàu có thế có nhiều mong muốn khác. “Nếu cách thức để mỗi người phối hợp, làm việc với nhau theo sở thích hay theo tính cách riêng của mình thì chuyện gì sẽ xảy ra với con tàu đó? Trong khi mục tiêu của hầu hết doanh nghiệp, mục tiêu các con tàu đều là muốn được đi ra đại dương”, bà Giang nói.
Chia sẻ về quy trình xây dựng văn hoá doanh nghiệp, bà Minh Giang cho biết, nên bắt đầu từ chuyện thay đổi tư duy của CEO, nhà sáng lập, sau đó mới xuống đến cấp lãnh đạo tiếp theo và toàn công ty, theo 3 khía cạnh. Thứ nhất là “leadership” – con người và đội ngũ lãnh đạo, họ sẽ làm gương. Thứ hai, hệ thống, phải xoay quanh tầm nhìn, mục tiêu và giá trị cốt lõi công ty. Thứ ba, tập trung vào truyền thông dựa trên văn hoá mới, để doanh nghiệp duy trì được.
Ở Mekong Capital chú trọng tạo ra không gian, cơ hội để những người chủ doanh nghiệp trải nghiệm trực tiếp bằng bản thân họ. Hằng năm, công ty tổ chức những chuyến viếng thăm, dẫn họ qua thăm những công ty đã thành công trong ngành và lắng nghe những CEO, nhà sáng lập đó nói.
“Không ít doanh nghiệp doanh thu 4 tỷ USD vẫn tiếp tục chuyển hoá văn hoá doanh nghiệp. Sẽ có những trải nghiệm khá đau thương nhưng nhiều lúc, thất bại mới giúp doanh nghiệp nhận ra bài học đắt giá”, bà Giang đề cập.
Nguồn bài: VnExpress.net
Tư duy của CEO, nhà sáng lập sẽ quyết định doanh nghiệp đó đi xa đến đâu, theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, đồng Tổng giám đốc Mekong Capital.
Khách mời của talk Nguy – Cơ 21 là bà Nguyễn Thị Minh Giang, Tổng giám đốc khối Nhân tài và Văn hóa doanh nghiệp quỹ đầu tư Mekong Capital. Minh Giang sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi, thừa hưởng nhiều tính cách của người miền Trung như suy nghĩ lạc quan, tích cực.
Một tiêu chí trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp mà bà đề cập đến là “work-life integration” – hòa hợp giữa cuộc đời và công việc. “Ở Mekong Capital, chúng tôi không cố gắng để nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Chúng tôi tạo ra môi trường để họ tận hưởng và trải nghiệm cuộc đời ngay tại nơi làm việc”.
Một trong những chính sách của doanh nghiệp này được nhiều nhân viên hưởng ứng là nhân sự có thể đăng ký nghỉ trong 3-6 tháng, tham gia vào những chương trình bất kỳ mà họ mong muốn.
“Trong tầm nhìn chung của công ty, mỗi nhân sự cần thấy cá nhân mình trong đó. Mỗi ngày đi làm, họ biết rằng việc mình đang làm không chỉ để kiếm tiền, tạo ra giá trị cho công ty mà cũng rất đồng thuận với mục tiêu cá nhân, hay tiếng gọi của cuộc đời mình”, sếp Mekong Capital nhấn mạnh.
Nhân sự – nền tảng cốt lõi cho mỗi doanh nghiệp tại Mekong Capital
Tại quỹ đầu tư Mekong Capital, từ chọn lựa công ty đầu tư đến giai đoạn hỗ trợ công ty đó, yếu tố con người luôn được đặt lên hàng đầu.
Trong quá trình tham gia thẩm định các công ty mà Mekong Capital đầu tư, Minh Giang chịu trách nhiệm phỏng vấn và tìm hiểu về yếu tố con người. “Đầu tiên là giá trị cốt lõi mà người CEO, nhà sáng lập theo đuổi. Tôi đánh giá cao người CEO, nhà sáng lập có sự lắng nghe, cởi mở, ham học hỏi, vì việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp đều bắt đầu từ họ”, bà Minh Giang cho hay.
Để quyết định đầu tư hay không đầu tư, bên cạnh những con số về công ty, kinh doanh…, vai trò của người dẫn đầu và cách họ lãnh đạo rất quan trọng. “Liệu người CEO, nhà sáng lập đó có sẵn lòng để tin cậy và giao quyền hay không? Họ có sẵn lòng tuyển dụng các vị trí nhân sự cấp cao hay không? Hay họ chỉ muốn sử dụng người trong gia đình mình vì đã quen nhau lâu rồi?”, bà Giang đặt câu hỏi.
Từ quan điểm cá nhân, vị này cho rằng tỷ trọng con người chiếm đến 70% trong một quyết định đầu tư. Đó cũng là lý do Mekong Capital từng quyết định không đi tiếp với một số công ty dù tiềm năng trong ngành rất lớn.
Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Tổng Giám đốc khối Nhân tài và Văn hóa doanh nghiệp. (Nguồn ảnh: VnExpress.net)
20 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Mekong Capital rót vốn và gắn liền với thành công của các thương hiệu Thế giới di động, Golden Gate, F88, Pharmacity, Pizza 4P’s… “Đó là hành trình phải trả giá bằng rất nhiều bài học xương máu và nước mắt”, đại diện doanh nghiệp khẳng định.
Bà Giang đề cập câu chuyện thành công của F88 – doanh nghiệp theo đuổi sứ mệnh thay đổi định kiến về ngành cầm đồ ở Việt Nam. Từ năm 2015, Mekong Capital rót vốn vào F88, tổ chức nhiều khoá huấn luyện để thay đổi tư duy nhà sáng lập.
Đội ngũ F88 cũng được đưa sang học hỏi một công ty cầm đồ trị giá 3 tỷ USD bên Thái Lan. Nhờ những khóa huấn luyện này, đội ngũ lãnh đạo F88 càng trải nghiệm ra yếu tố con người quan trọng như thế nào, từ phục vụ khách hàng, cách thức tuyển dụng, sa thải, đào tạo đội ngũ…
Sau 5 năm, chuỗi cầm đồ F88 từ 10 cửa hàng mở rộng đến 300 cửa hàng. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu mở tiệm cầm đồ với phong cách chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ khách hàng tốt hơn. “Rõ ràng sứ mệnh đang dần hiện thực hoá, đó là thay đổi định kiến về ngành cầm đồ”, đại diện doanh nghiệp cho biết.
Nhiều nhân sự cấp cao làm tại các ngân hàng và tập đoàn lớn cũng thay đổi tư duy tiêu cực về ngành, sẵn sàng đầu quân về F88.
‘Covid-19 là phép thử cho văn hóa doanh nghiệp’
Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, có không ít doanh nghiệp dù trả lương đủ, song nhân viên vẫn sẵn sàng kiện tụng sau này. Trong khi có một số công ty không trả lương cao mà những nhân viên đó sẵn lòng giảm lương đến khi nào công ty mình bình thường trở lại. Điều này đều bắt nguồn từ văn hóa doanh nghiệp, vì phép thử cho văn hoá doanh nghiệp là con người.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi mục tiêu tồn tại và phát triển được ưu tiên, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp không phải bài toán dễ dàng. Song bà Giang cho rằng, để xây dựng văn hóa doanh nghiệp không nhất thiết tốn kém nhiều chi phí. Có không ít doanh nghiệp nhỏ lương trả không cao, nhưng mọi người gắn bó với nhau như những người trong gia đình.
“Khi thành lập công ty cho dù là startup, SME hay các công ty lớn thì lúc nào văn hoá doanh nghiệp cũng có sẵn, chứ không phải đợi nghe cụm từ ‘xây dựng văn hoá doanh nghiệp’ rồi mới bắt đầu thực hiện”, bà Giang nêu rõ.
Cụ thể hơn, văn hóa chính là cách doanh nghiệp ra quyết định, phương pháp giao tiếp và phối hợp làm việc trong nội bộ với nhau hay với bên ngoài. Doanh nghiệp nếu muốn dẫn đầu thị trường, cạnh tranh với các đối thủ lớn, các công ty đa quốc gia, bắt buộc phải xây dựng văn hoá doanh nghiệp, bà Giang khẳng định.
Lãnh đạo Mekong Capital so sánh một công ty là một con tàu. Trên con tàu đó, thuyền trưởng nói phải xác định điểm đến cuối cùng, dù trên tàu có thế có nhiều mong muốn khác. “Nếu cách thức để mỗi người phối hợp, làm việc với nhau theo sở thích hay theo tính cách riêng của mình thì chuyện gì sẽ xảy ra với con tàu đó? Trong khi mục tiêu của hầu hết doanh nghiệp, mục tiêu các con tàu đều là muốn được đi ra đại dương”, bà Giang nói.
Chia sẻ về quy trình xây dựng văn hoá doanh nghiệp, bà Minh Giang cho biết, nên bắt đầu từ chuyện thay đổi tư duy của CEO, nhà sáng lập, sau đó mới xuống đến cấp lãnh đạo tiếp theo và toàn công ty, theo 3 khía cạnh. Thứ nhất là “leadership” – con người và đội ngũ lãnh đạo, họ sẽ làm gương. Thứ hai, hệ thống, phải xoay quanh tầm nhìn, mục tiêu và giá trị cốt lõi công ty. Thứ ba, tập trung vào truyền thông dựa trên văn hoá mới, để doanh nghiệp duy trì được.
Ở Mekong Capital chú trọng tạo ra không gian, cơ hội để những người chủ doanh nghiệp trải nghiệm trực tiếp bằng bản thân họ. Hằng năm, công ty tổ chức những chuyến viếng thăm, dẫn họ qua thăm những công ty đã thành công trong ngành và lắng nghe những CEO, nhà sáng lập đó nói.
“Không ít doanh nghiệp doanh thu 4 tỷ USD vẫn tiếp tục chuyển hoá văn hoá doanh nghiệp. Sẽ có những trải nghiệm khá đau thương nhưng nhiều lúc, thất bại mới giúp doanh nghiệp nhận ra bài học đắt giá”, bà Giang đề cập.
Nguồn bài: VnExpress.net